Những năm cuối đời Friedrich_I_của_Đế_quốc_La_Mã_Thần_thánh

Năm 1174, vua Frederick Barbarossa tiến hành cuộc viễn chinh Ý lần thứ năm, nhưng bị Liên minh Lombard (giờ có thêm Venezia, SiciliaConstantinopolis) theo phe Giáo hoàng chống lại.[21] Các thành phố miền bắc Ý đã trở nên hết sức thịnh vượng nhờ thương mại, và đại diện cho một bước ngoặt trong bước chuyển từ trật tự phong kiến Trung Cổ. Khi Frederick Barbarossa bị liên minh các thành phố bắc Ý đánh bại, cả châu Âu bị sốc vì không tưởng tượng được việc đó có thể xảy ra.[22]

Cùng việc Heinrich Sư tử từ chối đưa viện quân vào Ý, cuộc viễn chinh thất bại thảm hại. Frederick Barbarossa có thể hành binh vượt miền bắc Ý, chiếm Rôma, và đưa Giáo hoàng đối lập Pascalê III lên ngôi, nhưng người Lombard nổi dậy ở sau lưng ông, trong khi bệnh dịch làm quân đội của ông bị suy yếu nghiêm trọng.[21] Frederick tiếp đó bị đánh bại trong trận Legnano gần Milano ngày 29 tháng 5 năm 1176. Ông bị thương, và có lúc người ta tưởng là ông đã chết. Trận chiến này là bước ngoặt trong cuộc đấu tranh giành quyền làm chủ đế quốc của ông.[23] Ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thương lượng với Giáo hoàng Alexanđê III và Liên minh Lombard. Theo hòa ước Anagni 1176, Frederick công nhận Alexanđê III là Giáo hoàng, và với hiệp ước Venezia 1177, Frederick và Giáo hoàng Alexanđê III chính thức hòa giải.[24] Frederick phải chịu khuất phục trước Giáo hoàng tại Venezia. Ông công nhận quyền lực của Giáo hoàng tại Quốc gia Giáo hoàng (tức Rôma và vùng phụ cận), đổi lại Giáo hoàng Alexanđê III thừa nhận quyền chủ tể của Hoàng đế với Giáo hội Đế quốc. Cũng theo hòa ước Venezia, hòa bình được thiết lập với Liên minh các thành phố Lombard từ tháng 8 năm 1178.[25] Tiếp đó, hòa bình vĩnh viễn được thiết lập với hòa ước Constance, Frederick thừa nhận quyền của các thành phố này được tự bầu thị trưởng thành phố. Như vậy Frederick giành lại quyền cai trị trên danh nghĩa trên đất Ý, đó là cách chủ yếu mà ông áp đặt sức ép lên Giáo hoàng[26]

Barbarossa và Heinrich Sư tử

Frederick Barbarossa không tha thứ cho Heinrich Sư tử vì việc không đưa quân đến hỗ trợ cho ông trong chiến dịch năm 1174. Tới năm 1180, Heinrich đã thành công trong việc thiết lập một công quốc hùng mạnh và liên tục, gồm Sachsen, Bayern và nhiều lãnh thổ rộng lớn ở miền đông và bắc Đức. Lợi dụng sự thù địch của nhiều công vương Đức với Heinrich, Frederick Barbarossa xử vắng mặt Heinrich trong một phiên tòa chủ tọa gồm nhiều giám mục và công vương Đức năm 1180, tuyên bố rằng luật đế quốc có hiệu lực hơn luật cổ truyền Đức, xử phạt Heinrich bằng cách tước bỏ đất đai của ông này, và đặt ông này ra ngoài vòng pháp luật.[27]

Tiếp đó, ông đưa quân đội Đế quốc tiến đánh Sachsen. Heinrich bị các đồng minh bỏ rơi, và cuối cùng Heinrich phải chấp nhận đầu hàng vào tháng 11 năm 1181. Heinrich phải chịu lưu vong trong 3 năm tại triều đình cha vợ mình là Henry II của Anh tại Normandy, trước khi được phép trở lại Đức. Heinrich sống những ngày cuối đời mình tại Đức với danh vị Quận công Brunswick trong một lãnh thổ nhỏ hẹp hơn rất nhiều. Khát vọng báo thù của Frederick như vậy đã hoàn tất, Heinrich Sư tử giờ sống một cuộc đời bình lặng, bảo trợ nghệ thuật và kiến trúc.

Dù đã hạ bệ được Heinrich Sư tử, Frederick không thể nào du nhập được hệ thống phong kiến tập quyền kiểu Anh vào Đức được.[28] Ông phải đối diện với thực trạng hỗn loạn tại các tiểu quốc Đức, với nội chiến diễn ra liên miên giữa các công vương giành giật ngôi vị và đất đai. Sự thống nhất nước Ý dưới quyền lãnh đạo của hoàng đế Đức cũng chỉ là hư danh. Dù rằng đã tuyên bố quyền bá chủ của hoàng đế Đức, nhưng thực quyền trên đất Ý nằm trong tay Giáo hoàng.[29] Trở về Đức sau thất bại tại bắc Ý, Frederick phải ngậm bồ hòn làm ngọt, hoàn toàn kiệt lực. Các công vương Đức, thay vì phục tùng dưới trướng hoàng đế, lại thu thập của cải, quyền lực, củng cố thế lực của mình. Bắt đầu xuất hiện khuynh hướng trong xã hội nhằm "thiết lập nước Đại Đức" bằng cách chinh phục người Slavơ ở phía đông.[30]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Friedrich_I_của_Đế_quốc_La_Mã_Thần_thánh http://www.authorama.com/famous-men-of-the-middle-... http://encarta.msn.com/encyclopedia_761561996/Fred... http://lba.hist.uni-marburg.de/lba-cgi/kleioc/0010... http://lba.hist.uni-marburg.de/lba/pages/ http://www.columbia.edu/cu/cup/catalog/data/023113... http://www.deremilitari.org/resources/sources/rule... http://www.newadvent.org/cathen/06252b.htm http://www.webcitation.org/5kwcQfXoE http://books.google.com.vn/books?id=3aTtfgXaOcEC&p... http://books.google.com.vn/books?id=YEEv-xBhcPsC&p...